Trong công việc hàng ngày, khi phải tiếp xúc quá nhiều số má cùng một lúc, chắc chắn các bạn đã có lúc viết sai hóa đơn GTGT. Nhưng viết sai hóa đơn có bị phạt không? Đây là khúc mắc của nhiều người. Vậy nên, bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi đó. Ngoài ra chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho các bạn một số lỗi sai thường gặp khi viết hóa đơn GTGT cũng như cách xử lý chúng cho phù hợp và nhanh gọn.
Viết sai hóa đơn GTGT có bị phạt không?
Nếu bạn chưa kê khai thuế:
Nếu bạn chưa kê khai thuế thì đây không phải là một vấn đề lớn. Lúc này, các bạn chỉ cần lưu lại hóa đơn cũ, bên cạnh đó bạn lập một bản thu hồi hóa đơn sai. Đừng quên viết biên bản điều chỉnh hóa đơn sai nữa nhé. Cuối cùng khi kê khai thuế, bạn xuất trình những giấy tờ trên là đã hoàn thành xong việc. Rất đơn giản và dễ dàng!
Nếu bạn đã kê khai thuế:
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu là khi bạn đã kê khai thuế rồi thì mức xử phạt cao nhất sẽ lên tới 50 triệu Việt Nam Đồng. Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại thì con số này sẽ được giảm bớt. Điều này chiếu theo quy định của điều 38 và 39 của Nghị định 109/2013. Sau đây, tôi trích luật để bạn hiểu rõ hơn:
Điều 38. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không lập đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trừ các trường hợp hóa đơn không nhất thiết phải lập đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với hành vi không hủy hoặc hủy không đúng quy định các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng theo quy định.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định;
c) Ngày ghi trên hóa đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;
d) Lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua, trừ trường hợp trên hóa đơn ghi rõ người mua không lấy hóa đơn hoặc hóa đơn được lập theo bảng kê;
đ) Không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
e) Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn. Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
Trường hợp người bán tìm lại được hóa đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền.
b) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định này) và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này còn phải hủy hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng.
Điều 39. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn của người mua
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn.
Trường hợp người mua tìm lại được hóa đơn đã mất khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người mua không bị phạt tiền.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”
Cách xử lý những lỗi sai thường gặp về hóa đơn GTGT.
Có rất nhiều lỗi sai sót khi viết hóa đơn GTGT. Cũng dễ hiểu thôi vì chúng ta đều là con người chứ không phải máy tính nên lúc nào cũng chính xác 100% được. Tuy nhiên, khi bạn viết sai, thì có một số cách khắc phục như sau:
1. Hóa đơn GTGT bị ghi thiếu địa chỉ tỉnh: Đây là trường hợp người bán lập hóa đơn ghi đúng tất cả các nội dung trên hóa đơn nhưng đến dòng địa chỉ của người mua hàng bị sai sót.
Cách khắc phục như sau: Hóa đơn GTGT này vẫn được chấp nhận để kê khai thuế.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 2186/TCT-CS ban hành ngày 24/05/2017
2. Ngày lập bị ghi sai trên hóa đơn GTGT.
Cách khắc phục hiệu quả: Nếu hóa đơn GTGT này chưa được kê khai thuế thì 2 bên lập biên bản thu hồi các liên của hóa đơn sai. Sau đó bên bán gạch chéo vào tất cả các liên, đồng thời lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới giao cho bên mua. Nếu hóa đơn GTGT này đã kê khai thuế thì cả hai bên tiến hành lập biên bản ghi rõ những sai sót. Cùng lúc đó, bên bán lập hóa đơn mới điều chỉnh và đưa lại cho bên mua.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 9652/CT-TTHT ban hành ngày 26/10/2015
3. Thiếu mã số thuế của người mua.
Cách khắc phục đơn giản: Doanh nghiệp bắt buộc phải lập biên bản và kèm hóa đơn đã điều chỉnh. Có thể xem hướng dẫn tại Điều 20 TT39/2014/TT-BTC.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 9652/CT-TTHT ban hành ngày 26/10/2015
4. Mã số thuế của người mua bị ghi sai.
Cách khắc phục: Doanh nghiệp bắt buộc phải lập biên bản kèm theo hóa đơn đã điều chỉnh. Có thể xem hướng dẫn tại Điều 20 TT39/2014/TT-BTC
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 53896/CT-HTr ban hành ngày 17/08/2015
5. Tên và địa chỉ của khách hàng bị ghi sai trong hóa đơn.
Cách khắc phục như sau: nếu tên và địa chỉ bị ghi sai trong hóa đơn nhưng mã số thuế của khách hàng vẫn đúng thì các bên chỉ cần lập biên bản điều chỉnh. Chú ý trường hợp này không phải lập hóa đơn điều chỉnh.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 53896/CT-HTr ban hành ngày 17/08/2015
6. Tên sản phẩm/hàng hóa bị ghi sai
Cách khắc phục đơn giản: Hai bên phải lập biên bản điều chỉnh lại nội dung ghi sai. Song song với đó, bên bán hàng lập hóa đơn điều chỉnh, trong đó phải ghi rõ nội dung đã ghi sai, nội dung đã điều chỉnh, ký hiệu, số hóa đơn, ngày tháng năm cụ thể đã ghi sai. Chú ý không được viết lại các nội dung đã viết đúng.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 6803/CT-TTHT ban hành ngày 18//07/2016
7. Tên người mua bị ghi sai trong hóa đơn, nhưng địa chỉ và mã số thuế vẫn đúng
Cách khắc phục dễ dàng: Các bên liên quan chỉ cần lập biên bản. Chú ý không cần lập hóa đơn điều chỉnh trong trường hợp này.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 9249/CT-TTHT ban hành ngày 12/10/2015
8. Giá tính thuế GTGT bị ghi sai trên hóa đơn
Cách khắc phục khá đơn giản: Hai bên liên quan phải lập biên bản ghi rõ sai sót. Ngay sau đó bên bán lập hóa đơn điều chỉnh giá tính thuế và tiền thuế GTGT. Tiếp đó phải kê khai điều chỉnh hồ sơ thuế.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 1631/CT-TTHT ban hành ngày 25/02/2016
9. Số tiền chiết khấu bị ghi sai trong hóa đơn
Cách khắc phục: Nếu hóa đơn này đã kê khai thuế thì công ty phải lập biên bản và hóa đơn điều chỉnh. Tuy nhiên nếu trường hợp sai sót này không ảnh hưởng tới doanh thu hay tiền thuế GTGT phải nộp thì công ty được không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Tất nhiên, các chỉ tiêu khác vẫn phải ghi đúng.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 14235/CT-TTHT ban hành ngày 31/12/2015
10. Hóa đơn bị ghi sai và đã kê khai thuế
Cách khắc phục đơn giản:Công ty đó bắt buộc phải lập biên bản kèm theo hóa đơn điều chỉnh
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn TTHT ban hành ngày 28/1/2016
11. Trường hợp lập chung hóa đơn điều chỉnh cho nhiều hóa đơn ghi sai cùng với bên mua
Cách khắc phục: Công ty có thể lập chung một hóa đơn điều chỉnh cho tất cả các hóa đơn ghi sai nhưng bắt buộc phải cùng bên mua. Đồng thời phải lập kèm bảng kê trong đó ghi rõ các hóa đơn sai cần điều chỉnh.
Cách khắc phục này căn cứ vào công văn 10911/CT-TTHT ban hành ngày 04/11/2016
12. Trường hợp được lập 1 hóa đơn điều chỉnh cho nhiều hóa đơn đã ghi sai đơn giá
Cách khắc phục: Hai bên lập 01 biên bản và hóa đơn để điều chỉnh cho toàn bộ hóa đơn ghi sai đơn giá. Và kèm theo bảng kê các hóa đơn cần được điều chỉnh.
Cách khắc phục này căn cứ vào Công văn 9502/CT-TTHT ban hành ngày 03//10/2016
13. Trường hợp ghi sai thuế suất phải lập biên bản cùng với hóa đơn điều chỉnh
Cách khắc phục: Hai bên lập biên bản ghi rõ sai sót, đồng thời bên bán lập hóa đơn điều chỉnh để sửa lại thuế suất và tiền thuế GTGT
Cách khắc phục này căn cứ vào Công văn 6653/CT-TTHT ban hành ngày 13/07/2016
Vậy là qua bài viết này bạn đã biết được câu trả lời câu hỏi viết sai hóa đơn có bị phạt không. Ngoài ra các bạn cũng đã có thêm kiến thức về cách xử lý 1 số lỗi sai thường gặp khi viết hóa đơn GTGT rồi nhé! Chúc các bạn may mắn và làm việc tốt!