Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động mang tính chất địa điểm và cần sử dụng nhân công thời vụ thì nhu cầu thuê nhân công bên ngoài là rất lớn. Đây cũng là một vấn đề phức tạp vì các doanh nghiệp này còn đang lúng túng trong việc hạch toán chi phí nhân công thuê ngoài cũng như những bộ hồ sơ về nhân công thuê ngoài. Vậy nên trong bài viết dưới đây chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn về bộ hồ sơ và cách hạch toán đó.
Hạch toán là gì ?
Trước tiên cũng đi tìm hiểu kiến thức cơ bản về hạch toán. Hạch toán hay còn gọi là kế toán. Nó là quá trình đo lường, quan sát, tính toán và ghi chép lại quá trình tái sản xuất xã hội. Mục đích của nó là nhằm quản lý các hoạt động đó ngày một chặt chẽ. Vậy nên đầy đủ, chính xác, kịp thời về nội dung và thống nhất về phương pháp chính là những yêu cầu quan trọng nhất đối với hạch toán. Như vậy thì mới có thể đảm bảo tiêu chuẩn hoá (hay còn gọi là quy cách hoá) và so sánh được các số liệu hạch toán.
Thế nào là nhân công thuê ngoài ?
Nhân công chính là cách nói ngắn gọn của sức lao động con người để sử dụng vào một công việc nào đó. Việc một cá nhân doanh nghiệp hay tổ chức không sử dụng những nhân sự có sẵn mà sử dụng những nhân công bên ngoài để thực hiện công việc và nghiệp vụ của mình được gọi là thuê nhân công bên ngoài.
Vậy ta có thể kết luận rằng “nhân công thuê ngoài” là việc cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp sử dụng sức lao động của một con người bên ngoài công ty vào một công việc nào đó với mục đích hoàn thành các công việc của bản thân công ty đó.
Hạch toán chi phí nhân công thuê ngoài trong ngành công nghiệp
Cách hạch toán kế toán về chi phí nhân công trong ngành công nghiệp, các bạn áp dụng nợ tài khoản 154 theo thông tư 133 hoặc 200. Cụ thể như sau: Vào Cuối kỳ, nhân viên kế toán kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí và ghi như sau:
– Nợ Tài khoản 154 là Chi phí kinh doanh sản xuất còn đang dở dang
– Nợ Tài khoản 632 là chi phí nhân công trên mức bình thường hay còn gọi là giá vốn hàng bán
– Có Tài khoản 622 chính là Chi phí nhân công trực tiếp.
Hồ sơ của chi phí thuê nhân công ngoài
Khi để tính chi phí nhân công ngoài, các doanh nghiệp cần có những hồ sơ sau:
– Hợp đồng giao khoán công việc.
– Bảng kê mua hàng hoá dịch vụ mua và chứng từ khấu trừ thuế TNCN trước khi trả tiền cho cá nhân (phần này không bắt buộc)
– Giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, giấy đăng ký thuế theo quy định của nhà nước, biên bản xác nhận đã hoàn thành xong công việc.
– Chứng từ chi tiền. Trong đó ghi rõ số giá trị, số lượng, ngày tháng, địa chỉ, số CMND hoặc CCCD của người cung cấp dịch vụ có chữ ký rõ ràng của hai bên.
Tìm hiểu về căn cứ pháp lý của bộ hồ sơ nhân công thuê ngoài
Về hóa đơn nhân công
Chúng ta căn cứ Khoản 1, Điều 13, Thông tư 39/2014/TT-BTC được ban hành ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính. Trong đó hướng dẫn cấp hóa đơn do Cục Thuế đặt in quy định như sau:
“1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn.”
Thuế thu nhập doanh nghiệp với chi phí nhân công thuê ngoài
Chúng ta cùng căn cứ vào Khoản 1, Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC, các chi phí được quy định những chi phí được trừ như sau:
“1.Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều 6, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b)Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”
Tiếp theo, chúng ta căn cứ vào Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điểm 2.4, Khoản 2, Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC. Điều này quy định về những chi phí không được trừ, quy định:
“2.4.Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
– Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Qua bài viết trên đây, chúng ta có thể hiểu rõ thêm thông tin về cách hạch toán chi phí nhân công thuê ngoài trong ngành công nghiệp. Chúc các bạn hạch toán chính xác!